Vỏ xe (lốp xe) là bộ phận duy nhất trên chiếc xe của bạn tiếp xúc với mặt đường khi di chuyển, chúng cần phải luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Chỉ cần vài phút cho việc kiểm tra, bảo trì để đảm bảo rằng xe của bạn làm việc ở trạng thái tốt nhất. Người sử dụng xe cần biết áp suất vỏ phù hợp, xác định độ hao mòn và thay mới khi cần thiết.
1. Kiểm tra áp suất vỏ
Hãy kiểm tra áp suất vỏ thường xuyên, áp suất vỏ không đúng tiêu chuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng vỏ. Để tránh những hư hỏng này, bạn cần kiểm tra áp suất vỏ tối thiểu 1 lần/tháng. Việc cân đo đúng áp suất là rất quan trọng để đảm bảo vỏ mòn đồng đều.
Vỏ xe quá non (quá mềm) sẽ khiến vỏ hấp thụ nhiệt nhanh và nóng hơn, hơn thế nữa áp suất vỏ thấp thường có xu hướng bị mòn các cạnh ngoài hay còn gọi là vai vỏ. Khi vỏ non thì phần giữa của vỏ sẽ không được tiếp xúc nhiều với mặt đường, thay vào đó là 2 vai vỏ. Từ đó khiến cho độ mòn của 2 vai cũng tăng lên, làm giảm tuổi thọ của vỏ xe.
Nhưng một vỏ xe quá căng cũng sẽ khiến phần trung tâm của vỏ bị mòn quá nhanh, vỏ xe quá căng có thể làm giảm sự ma sát giữa vỏ và mặt đường. Khiến cho khi phanh gấp sẽ làm cho quãng đường phanh dài hơn, mất độ ổn định khi vô các khúc cua.
Hãy kiểm tra áp suất vỏ khi vỏ không bị nóng, áp suất khí trong vỏ có thể tăng hay giảm khi nhiệt độ thay đổi. Việc kiểm tra này không chỉ tốt cho xe mà còn đặc biệt cần thiết để đảm bảo tuổi thọ vỏ.
Thông tin về áp suất vỏ tiêu chuẩn bạn có thể tìm thấy ở sổ tay hướng dẫn sử dụng khi mua xe. Hiện nay có 2 đơn vị đo áp suất phổ biến là Psi và Bar, nhưng phổ biến hơn cả là Psi.
Quy đổi: 14,2 Psi = 1 Kg/cm2
Áp suất trung bình phù hợp với nhiều hãng vỏ theo kinh nghiệm của shop là 35 Psi cho vỏ trước và 40 Psi cho vỏ sau. Bạn có thể điều chỉnh tăng giảm một chút cho phù hợp hơn nếu chỉ đi 1 mình hoặc khi cần chở nặng.
2. Kiểm tra độ mòn
Để vỏ xe có độ bám đường hiệu quả, tăng khả năng thoát nước và kiểm soát lái tốt, vỏ xe cần phải đảm bảo có đủ chiều sâu gai vỏ. Nếu các rãnh gai trên mặt gai đã gần như biến mất, vỏ xe sẽ không đảm bảo được độ bám đường. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi bạn chạy xe trên đường trơn ướt, bạn nên kiểm tra độ mòn bề mặt vỏ thường xuyên để có hướng xử lý phù hợp.
Bạn có thể dễ dàng kiểm tra độ mòn của vỏ bằng vạch chỉ thị độ mòn gai vỏ (phần cao su nhỏ được đúc ở giữa các rãnh gai chính). Khi bề mặt gai chính bằng với vạch chỉ thị này, vỏ cần phải được thay thế để đảm bảo an toàn. Việc sử dụng vỏ quá mòn làm xe vận hành tốn xăng hơn, không bám đường gây nguy hiểm khi đi đường mưa, trơn ướt, và nguy cơ nổ vỏ rất cao nếu bạn đi đường dài.
3. Van vòi
Van giúp duy trì áp suất và ngăn hơi ẩm xâm nhập vào vỏ xe. Nắp van vòi cần được đóng chặt để tránh bụi bẩn làm tắc nghẽn kim van và hở van. Thay thế ngay lập tức khi phát hiện nắp đậy van bị mất. Van thường được làm bằng cao su do đó sẽ lão hóa theo thời gian, lời khuyên là nên thay thế bất cứ khi nào bạn thay mới vỏ xe.
Một số lưu ý khi sử dụng vỏ không ruột - vá vỏ không ruột
Nếu chiếc xe máy của bạn đang sử dụng vỏ không ruột, bạn cần lưu ý một vài điểm dưới đây để giữ vỏ được bền, và vận hành an toàn hơn. Các xe máy thế hệ mới thường sử dụng vỏ không ruột. Ưu điểm của loại vỏ này là giúp giảm trọng lượng xe, tăng khả năng bám đường, tiện dụng hơn trong quá trình vận hành so với vỏ sử dụng ruột.
Khi xe của bạn được trang bị vỏ không ruột, nếu bị dính đinh hay vật nhọn đâm vào, vỏ không xì hết toàn bộ hơi giúp người điều khiển xe đi thêm những đoạn đường nhất định trước khi đến nơi sửa chữa, thay thế…
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn cứ mua xe về đi, không cần quan tâm đến vỏ. Người dùng vẫn cần lưu ý những điểm nhất định để giữ vỏ được bền hơn.
Vỉa hè: Vỉa hè có thể là nguyên nhân gây hỏng vỏ của bạn. Hãy leo lên vỉa hè một cách cẩn thận, nếu bạn lái quá nhanh hay với một góc độ không hợp lý sẽ có thể gây ra nứt vỏ. Tránh tối đa các ổ gà hay mảnh vỡ ở trên đường. Tránh gia tốc xe quá nhanh hay thắng gấp. Hãy kiểm tra sổ tay hướng dẫn sử dụng về tải trọng tối đa, quá tải có thể làm giảm tuổi thọ của vỏ.
Cẩn thận khi vá: Nhược điểm lớn nhất là khi bị dính đinh hay vật nhọn gây thủng vỏ, xì hơi thì việc vá vỏ không ruột lại đòi hỏi thợ sửa chữa phải có chuyên môn tốt, vì nếu không vá đúng kỹ thuật làm cho vết thủng không thể kín hơi. Thông thường khi bị thủng vỏ, các hiệu sửa xe tiến hành vá rút, cách này nhanh và chỉ là tạm thời, sau 1 thời gian ngắn chỗ vá sẽ bị hỏng.
Nên dùng phương pháp vá trong: Vá trong là cách tốt nhất đối với vỏ không ruột, người thợ sẽ tháo vỏ lốp bằng máy chuyên dụng, sau đó làm sạch bề mặt bên trong lòng vỏ và dán miếng vá lên chỗ thủng, đây là cách làm tốt nhất được các nhà máy sản xuất lốp khuyến nghị. Bạn chú ý chỉ nên vá vỏ không ruột ở những nơi dùng máy tháo vỏ ra.
Vỏ Xe Phúc Thảo chuyên vá vỏ không ruột xe máy, vá vỏ xe tay ga uy tín chất lượng. Nếu vỏ xe bạn bị cán đinh, vật sắc nhọn, xì lỗ mọt hay mềm bất thường không rõ nguyên nhân... Đây là những tình huống thường xuyên gặp phải với bất kỳ loại xe nào, hãy đến để shop kiểm tra và vá cho bạn. Đảm bảo bạn sẽ hài lòng.
Không nên dùng keo tự vá: Nhiều người cho rằng, nếu đổ keo tự vá vào vỏ xe thì khi xe cán phải đinh, dung dịch keo sẽ tự bít lỗ thủng, tránh tình trạng vỏ xe bị xì hơi đột ngột gây tai nạn. Tuy nhiên, do không biết hoặc hãng sản xuất không khuyến cáo cụ thể, nếu để dung dịch keo tự vá tồn tại lâu trong bánh xe sẽ dẫn đến tình trạng dung dịch keo tự vá ăn mòn vành và vỏ xe như bị mục, rỗ và ôxy hóa.
Vành xe: Khi sử dụng vỏ không ruột, bạn phải đặc biệt quan tâm đến vành xe. Đi mưa hoặc ngâm nước nhiều dễ dẫn đến bề mặt vành bị rỗ, bị ăn mòn hoặc sủi lên tại vị trí tiếp xúc với vỏ, khi đó tác dụng làm kín hơi không còn nữa.
Nếu bạn thấy cứ bơm hơi căng vài ngày sau lại thấy vỏ mềm dù thử vỏ không bị xì mọt hay có vật nhọn đâm vào thì đó là do vành xe bị ăn mòn dẫn đến rò rỉ hơi. Phương pháp tạm thời là đánh bóng vành, hay mạ lại nhưng cách tốt nhất là thay thế vành để đảm bảo áp suất hơi trong vỏ luôn đủ.
Đừng thay vỏ quá muộn
Xe sử dụng vỏ mòn quá mức dễ mất kiểm soát khi đi dưới trời mưa, quãng đường phanh tăng gấp 1,6 lần so với vỏ mới.
Vỏ dựa vào gai vỏ (gai lốp) để duy trì bám dính với mặt đường. Lực bám xuất hiện tại vùng tiếp xúc trực tiếp giữa hai bề mặt, nhờ nó mà xe có thể tiến về phía trước, phanh hoặc chuyển hướng. Lớp gai vỏ đặc biệt có tác dụng là khi xe chạy tốc độ cao trên đường ướt. Nước tại vùng tiếp xúc theo các rãnh nhỏ trên mặt vỏ thoát ra ngoài, tạo điều kiện hình thành lực bám. Nhưng khi vỏ mòn quá mức, tiết diện khe hẹp lại, nước không thoát hết ra ngoài gây nên hiệu ứng thủy động bánh xe, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn vào mùa mưa.
Hiệu ứng thủy động bánh xe, hay còn gọi là hiệu ứng nêm nước xuất hiện khi nước ở vùng tiếp xúc giữa vỏ và mặt đường không giải thoát hết. Áp suất nước tăng dần từ phía trước đến phía sau vỏ tính theo chiều chuyển động, nước bị ép lại tạo thành hình nêm.
Bên cạnh tốc độ xe, áp suất hơi, độ sâu lớp nước trên mặt đường thì chiều cao gai vỏ là những yếu tố quyết định đến độ dày nêm nước. Vỏ bị nâng khỏi mặt đường, cũng là thời điểm vùng tiếp xúc trực tiếp biến mất. Ngay lập tức bánh xe mất bám. Nếu hiệu ứng thủy động xuất hiện ở cả 2 bánh thì xe sẽ mất kiểm soát hoàn toàn. Tình trạng này tương tự lúc mất lái, xe trượt trên đường theo quán tính.